Dự án nước sạch ADB đến với dân nghèo Hà Tĩnh

 Do nhiều yếu tố khách quan và lịch sử để lại nên hiện nay, nhiều vùng nông thôn ở Hà Tĩnh đang bị ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống cộng đồng.

 

Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, dân số gần 1,3 triệu người, trong đó dân số nông thôn chiếm đến 87,9%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 32,16%, đời sống nhân dân nhìn chung đang gặp nhiều khó khăn.  Trước tình trạng này, dự án "Hỗ trợ kỹ thuật cấp nước và vệ sinh nông thôn các tỉnh miền Trung" do ngân hàng phát triển châu Á (gọi tắt là ADB) tài trợ đã đến với người dân Hà Tĩnh, là tín hiệu vui với mọi miền nông thôn tỉnh này.
 
 
 
 


Từ những công trình chất lượng kém

 
 Từ năm 2000 đến nay, Hà Tĩnh có 49 công trình cấp nước tập trung, nhưng có tới hơn 30 công trình hoạt động kém (chỉ có một vài công trình được sử dụng vào mùa hè, thậm chí có những công trình không hề hoạt động). Tìm hiểu mới hay khi thi công công trình đã có quá nhiều bất cập. Ông Nguyễn Viết Nhất - GĐ Trung tâm NS&VSMT nông thôn Hà Tĩnh cho chúng tôi biết: "Ngay sau khi tiếp quản mảng nước sạch này, tìm hiểu các công trình, tôi biết đã có rất nhiều vấn đề xảy ra trong thời gian thi công các công trình mà nguyên nhân chính là do đầu tư không đồng bộ; quy hoạch, thiết kế, khảo sát sơ sài; trình độ BQL các xã kém về kỹ thuật cũng như khâu quản lý; nguồn vốn ít...". Tất cả đã làm nên những công trình kém chất lượng để rồi hôm nay hầu hết các công trình này không hoạt động được. Được biết, chương trình của mục tiêu quốc gia mỗi năm đầu tư kinh phí vào mảng nước sạch cho Hà tĩnh 1 tỷ đồng, có những năm cao nhất là 5 tỷ đồng (2007), nhưng khi đã có kinh phí rồi lại không thực hiện được công trình nào cho ra trò.
 
 Cùng ADB xây dựng hệ thống nước sạch đồng bộ
 
 Xác định được nguyên nhân các hạn chế, Trung tâm NS&VSMT nông thôn Hà Tĩnh đã củng cố được phần nào những bất cập mà các công trình trước đây để lại. Sau khi tiếp nhận nguồn vốn của 3 nhà tài trợ (Úc - Hà Lan - Đan Mạch) với tổng số tiền 19,35 tỷ đồng, 3 năm nay Trung tâm đã đầu tư, phân bổ 17,2 tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước và vệ sinh công cộng tại 4 điểm, nơi nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề nhất: Đức Lạng (Đức Thọ) nguồn nước bị nhiễm xăng dầu: 3,5 tỷ đồng; Đức Nhân (Đức Thọ): 2 tỷ đồng; Thạch Long - Thạch Sơn (Thạch Hà): 2 tỷ đồng và Vĩnh Lộc (Can Lộc) nơi bị ảnh hưởng thuốc BVTV: 700 triệu đồng; nâng cấp mở rộng một số công trình vệ sinh môi trường ở các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh, Lộc Hà, Hương Sơn...; chi 2,15 tỷ đồng cho việc truyền thông...Đồng thời, tuyên truyền người dân ký vào bản cam kết: tất cả người dân trong vùng dự án đều sử dụng nước sạch; bảo vệ nguồn nước, công trình; đóng góp đầy đủ vào việc xây dựng công trình theo QĐ của nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu trong quá trình thi công dự án. Chính quyền xã phải vận động nhân dân đóng góp, phối hợp với chủ đầu tư hỗ trợ GPMB. Tháng 7/2009 vừa qua, công trình nước sạch ở Đức Lạng (Đức Thọ) đã được khởi công xây dựng, đến nay công trình đã thực hiện được khoảng 50%, phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Sau khi tổ chức các đợt tập huấn về những vấn đề liên quan đến nguồn nước sạch và cuộc thi "tìm hiểu về ATGT và VSMTNT" cho hơn 200 đơn vị trên toàn tỉnh, Trung tâm nước sạch và VSMTNT Hà Tĩnh đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của các cấp và nhân dân. Năm 2010 nhà nước sẽ hỗ trợ 22 tỷ đồng cho tỉnh này thực hiện các dự án về nước sạch; ưu tiên những vùng dân nghèo, khó khăn về nước. Trong dự án này, nhân dân sẽ phải đóng góp 30%, theo đó, công trình ở Đức Lạng số tiền mà dân phải đóng góp đối ứng là 1,6 tỷ đồng.
 
 Đặc biệt, từ năm 2010 - 2015, 50 triệu USD do ADB tài trợ nhằm " hỗ trợ kỹ thuật cấp nước và vệ sinh nông thôn các tỉnh miền Trung" sẽ được đầu tư và Hà Tĩnh là một trong 6 tỉnh nằm trong vùng dựh án. Theo ông Nhất, Hà Tĩnh sẽ có 4 vùng nằm trong dự án này. Vùng Lộc Hà gồm các xã ven biển: Thạch Kim, Thạch Bằng, Thịnh Lộc, được đầu tư 49 tỷ đồng, với 3 hợp phần: cấp nước, vệ sinh môi trường (trong gia đình, nhà trường...); truyền thông, tập huấn và các hoạt động khác; đến năm 2020 công trình sẽ lấy nước ở hồ Khe Hao cấp cho 33 ngàn dân sinh sống trong vùng. Vùng Bắc Thạch Hà gồm các xã: Thạch Kênh, Thạch Liên, Thạch Việt, với số vốn hỗ trợ 35 tỷ đồng sẽ cấp nước cho 15 ngàn dân. Vùng thứ 3 được thực hiện là các xã thuộc vùng đê La Giang (Đức La, Đức Vĩnh, Đức Quang) trong nguồn vốn 20 tỷ đồng và sẽ cấp nước cho 7 ngàn dân trong vùng. Xã Phú Phong (Hương Khê)nơi có nguồn nước bị ảnh hưởng nặng do nhiễm xăng dầu là vùng cuối cùng của dự án, với 6,5 ngàn dân hưởng lợi sau khi công trình được hoàn thành.
 
 Bà Hạ Thanh Hằng - PGĐ Trung tâm quốc gia NS&VSMT nông thôn kiêm GĐ dự án ADB về nước sạch cho biết: "Dự án được đầu tư, xây dựng với nguồn vốn khá lớn, nhằm cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, các khu vực công cộng..; xử lý rác thải sinh hoạt, hệ thống cống rãnh; công trình vệ sinh...sạch và an toàn. Hiện tại, dự án đã được Chính phủ và Bộ NN-PTNT phê duyệt, dự kiến trong tháng 11/2009 sẽ đàm phán về các vấn đề liên quan. Theo kế hoạch, đầu năm 2010 dự án sẽ bắt đầu thực hiện và chúng tôi hy vọng rằng, sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động, sẽ mang lại hiệu quả khả quan, hỗ trợ người dân các vùng nhiễm mặn, vùng có tỷ lệ cấp nước thấp, vùng nhiễm chất độc...ở Hà Tĩnh cải thiện cuộc sống; phấn đấu cho 90% người dân nông thôn có nguồn nước sạch sử dụng, 80% số hộ gia đình được sử dụng hố xí hợp vệ sinh".

Các tin khác: